Chọn đất “huyệt phát” và chuyện triều chính của chúa Trịnh

0
213
Khu lăng mộ các chúa Trịnh ở Thanh Hóa (ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn Internet).

Theo “Trịnh thị bản tông phả ký”, tổ tiên của Trịnh Kiểm là Hưng tổ Phúc ấm vương Trịnh Đặng, người làng Sóc Sơn (tên cũ là Sáo Sơn), huyện Hòa Phúc, phủ Thiệu Hóa, trấn Thanh Hóa (nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Lúc bé, cha mất sớm, Trịnh Đặng lấy nghề cày cấy, chăn nuôi làm kế sinh nhai. Vốn là người nhân đức nên một hôm, vào lúc trời gần tối, khi một ông già ngoài 70 tuổi gặp trên bờ sông xin được ngủ trọ qua đêm, Trịnh Đặng đã vui vẻ mời khách lạ về nhà và tiếp đãi rất hậu.

Đêm khuya, ông già bảo cụ rằng: “Tôi xem ông có lòng thành thực và thấy ở xứ Linh Lạc của núi Đồn bên trái dãy Hùng Lĩnh có một cái huyệt rất quí. Nếu táng ở đó thì bốn đời sau có thể làm nên vương nghiệp nên tôi muốn lấy đó báo đáp lại, ông thấy thế nào”.

Trịnh Đặng trả lời: “Tôi nghèo hèn, đâu dám mong điều đó.” Ông lão lại nói: “Trời và người đều thế cả. Chả phải cầu mà được.” Trịnh Đặng nghe theo lời ông lão, mà dùng huyệt đó, đem cốt táng ở đó. Táng xong, lại cùng ông lão đến phía Đông núi Nguộn ở xã Biện Thượng, tìm đến xứ Ngò Thượng.

Tượng các vị chúa Trịnh (ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn Internet)
Tượng các vị chúa Trịnh (ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn Internet)

Ông lão chỉ phía đó, nói với ông rằng: “Chỗ này cũng có thể dùng”. Sau đó xem bói chọn làm chỗ đặt nhà cửa để ở. Biện Thượng nằm bên bờ tả dòng sông Mã đoạn hạ lưu chảy qua huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá), trở thành nơi khởi sinh của dòng họ Trịnh chúa.

Rồi ông lão lại đến xứ Cao Cũ chỉ vào đó nói rằng: “Khí đất ở đó rất quí, sau nên dùng huyệt đó mà cát táng”. Khi về lại Sóc Sơn, ông lão ra đi lúc nào, về nơi nào không ai rõ.

Trịnh Đặng lấy con gái họ Hoàng làng Biện Thượng rồi dời sang quê vợ ở và sinh ra Diễn Khánh vương Trịnh Lan. Trịnh Lan sinh ra Dục Đức vương Trịnh Lâu. Trịnh Lâu lấy con gái họ Hoàng thôn Hổ, làng Vệ Quốc, huyện An Định, sinh Thế tổ Minh Khang Đại vương Trịnh Kiểm (1503 – 1570).

Trịnh Kiểm mồ côi cha từ lúc 6 tuổi, sống ở quê ngoại với mẹ là bà Hoàng Thị Dốc. Lớn lên, ông là một tay kỵ mã tài giỏi nên một viên tướng nhà Mạc thu nhận, giao chăm sóc huấn luyện đàn ngựa chiến. Được ít lâu, có người khuyên Trịnh Kiểm không nên cộng tác với tướng nhà Mạc. Trịnh Kiểm nghe theo, nửa đêm bỏ Ninh Bang hầu trốn đi, mang theo con ngựa chiến đầu đàn.

Tướng nhà Mạc hay được, rất tức giận, bắt mẹ của Trịnh Kiểm nhốt vào một cái cũi tre, lấy đá lớn cột lại, thả xuống vực nước sâu. Khi chiếc cũi chìm xuống đáy, thì đêm ấy lạ thay nước sông như sôi lên, sấm chớp cùng mưa nguồn cuồn cuộn đổ về, nước chảy mạnh như muốn xô trôi cả hai bờ sông cũ.

 Khu lăng mộ các chúa Trịnh ở Thanh Hóa (ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn Internet).

Khu lăng mộ các chúa Trịnh ở Thanh Hóa (ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn Internet).

Sáng ra ngừng mưa, người quanh vùng hết sức kinh ngạc khi thấy nơi vực xoáy nhận chìm mẹ Trịnh Kiểm chiều hôm trước bỗng nổi lên một gò đất lớn chạy từ giữa sông vào bờ, thành ngôi mộ thiên táng kỳ lạ ôm giữ thi hài bà mẹ. Lạ hơn, phía trên ngôi mộ có một đàn vẹt đông đảo bay kín như một đám mây. Đàn vẹt ở đó rất lâu rồi bay đi. Vì vậy, Trịnh Kiểm mới đặt tên nơi này là Nghè Vẹt. Nghè Vẹt hiện nay là nơi thờ tự các đời chúa Trịnh và mẹ Trịnh Kiểm. Lúc ấy, lại có ông thầy tướng đi qua chỉ vào ngôi mộ mẹ Trịnh Kiểm đọc rằng:

Phi đế phi bá  (Chẳng đế chẳng bá)

Quyền khuynh thiên hạ (Quyền nghiêng thiên hạ)

Truyền tộ bát đại (Truyền được tám đời)

Tiêu tường khởi vạ (Trong nhà dấy vạ)

 

  1. Chuyện Phi đế phi bá/ Quyền khuynh thiên hạ diễn ra nhãn tiền

Mẹ mất, nghe tin Nguyễn Kim nổi dậy dựng lại nhà Lê, Trịnh Kiểm bèn đến xin gia nhập. Nhờ tài năng, ông được Nguyễn Kim tin cậy và gả con gái là Ngọc Bảo cho. Nǎm 1539 ông được phong làm Đại tướng quân, tước Dực quận công. Năm 1545, Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm lên thay cầm quyền, được phong làm thái sư nắm toàn thể quân đội. Nắm quyền trong triều nhà Lê, trước hết Trịnh Kiểm lo đối phó với các con của Nguyễn Kim để củng cố quyền lực. Nguyễn Uông bị giết, Nguyễn Hoàng sợ hãi xin xuống trấn giữ vùng Thuận Hóa – Quảng Nam ở phía Nam. Trịnh Kiểm cho rằng giết cả hai anh em Hoàng sẽ mang tiếng, mà Thuận – Quảng là nơi xa xôi, “ô châu ác địa” nên bằng lòng cho Hoàng vào đó để mượn tay nhà Mạc giết Hoàng. Từ đó Trịnh Kiểm nắm toàn bộ quyền hành của nhà Lê, xây dựng sự nghiệp cho họ Trịnh.

Năm 1556, vua Lê Trung Tông mất sớm không có con nối, Trịnh Kiểm định cướp ngôi nhà Lê, nhưng còn do dự sợ dư luận, ông sai người tìm đến hỏi ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nghe theo lời khuyên “giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”, Trịnh Kiểm tìm Lê Duy Bang, cháu 5 đời của Lê Trừ (anh vua Thái Tổ Lê Lợi), lập làm vua (Lê Anh Tông). Từ đó họ Trịnh nối đời cầm quyền nhưng danh nghĩa vẫn tôn phò, làm bề tôi cho nhà Lê, trong cơ chế lưỡng đầu vua Lê – chúa Trịnh. Dân gian truyền rằng: Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong.

 

  1. Chuyện Truyền tộ bát đại/ Tiêu tường khởi vạ cũng không sai

Bởi sự thật thì chúa Trịnh từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Sâm là truyền được 9 đời chúa. Năm 1782, Trịnh Sâm qua đời. Ngay từ khi Sâm còn sống đã diễn ra cuộc tranh giành ngôi thế tử giữa con trưởng Trịnh Tông và con thứ Trịnh Cán. Khi Sâm mất, Trịnh Cán lên thay, quận Huy phụ chính. Quân kiêu binh giúp Trịnh Tông làm binh biến giết chết quận Huy, phế bỏ Trịnh Cán và đưa Tông lên ngôi chúa, đổi tên là Khải.

Tuy nhiên từ khi Trịnh Khải lên ngôi, chính sự cũng không sáng sủa. tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ tiến ra phía Bắc Đại Việt vào giữa năm 1786 với một đội quân đông đảo. Quân Trịnh bị quân Tây Sơn đánh bại và chúa Trịnh Khải phải chạy về phía Bắc rồi sau đó bị bắt và tự vẫn. Quân Tây Sơn rút về, sau đó các bầy tôi cũ lại lập con Trịnh Giang là Trịnh Bồng lên ngôi. Vua Lê mới là Chiêu Thống muốn chấn hưng nhà Lê nên triệu Nguyễn Hữu Chỉnh đang trấn thủ Nghệ An ra giúp. Chỉnh đánh tan quân Trịnh, Trịnh Bồng bỏ đi mất tích vào năm 1787. Cả nhà bị vạ có lẽ là vậy chăng?

Như vậy có đến 12 vị chúa và trụ trên triều chính từ năm 1545 đến năm 1787 là chấm dứt.

Mới hay, xung quanh các nhân vật khởi nghiệp trong các triều đại phong kiến thường có những chuyện ly kỳ liên quan. Phần vì người đời khâm phục thiêu dệt nên, phần khác có lẽ do chính người trong cuộc tạo nên nhằm thần tượng hóa chính mình và cũng để tăng thêm sức mạnh khi được … các siêu nhân phò trợ.

(Theo Dân Việt)